Trong công việc hàng ngày các anh em thợ sửa khóa gặp rất nhiều dạng khách hàng khác nhau, với nhiều công việc cần giải quyết từ các em học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng mất chìa khóa xe, tới các bà nội trợ cần đánh (cắt) thêm chìa khóa cửa, đến các quý ông yêu cầu sửa chữa, độ khóa thay thế khóa mới.
Những anh em locksmith thâm niên trong nghề, trong quá trình làm việc, không ai nói với ai nhưng tất cả hầu như đều theo một nguyên tắc chung trong công việc: Coi trọng công việc mình đang làm và luôn đảm bảo uy tín những việc mình làm, từ đây hình thành nên những thói quen, tạo ra phong cách làm việc và định hình thành một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chung đặc trưng của ngành nghề sửa khóa cửa.
Đạo đức nghề nghiệp được đề cập ở đây, đối với những anh em locksmith chuyên nghiệp, thâm niên trong nghề, yêu nghề. Anh em locksmith là người hiểu rất rõ cấu tạo, cách vận hành một bộ khóa cửa, những điểm mạnh yếu của từng loại khóa cửa, nhiều khi vì công việc để mở nhanh một bộ khóa (bộ khóa này đã bị kẹt, hư không cứu được), anh em là những người đã khai sinh ra các loại đoản (vam) để phá nhanh, mở nhanh, để thay thế khóa mới khỏi mất thời gian và trong quá trình làm việc nhiều loại đoản (vam) này vô tình rơi vào tay của các tên “đạo chích” và giúp chúng làm phương tiện hành nghề, lúc này anh em thợ lại phải suy nghĩ độ lại ổ khóa, chống lại những loại vam mà mình đã tạo ra.
Một người thợ sửa khóa – locksmith chuyên nghiệp hầu như đều có chung các đặc điểm sau:
a. Tâm của người thợ:
• Khi đã nhận sửa chữa hoặc độ một bộ khóa, các anh em locksmith thường làm hết mình, những kinh nghiệm tích lũy được đều được áp dụng triệt để, một phần vì tâm huyết của người thợ, một phần để chứng tỏ khả năng của mình.
• Khi một sản phẩm đã được sửa chữa hoặc thay thế mới, trong đầu các anh em luôn mong muốn đó là sản phẩm tốt nhất, an toàn và bền bỉ nhất mà mình có thể làm cho khách.
• Các anh em ít khi nào muốn quay lại chỉnh sửa bộ khóa mà mình đã sửa chữa hoặc thay thế mới, nên các anh em locksmith thường tư vấn cho khách hàng của mình những điều tốt nhất, tối ưu nhất.
b. Đạo đức trong công việc:
• Khi được mời tới một công trình để xử lý một vấn đề như cửa bị kẹt (có chìa nhưng mở không được), mất chìa, mở két sắt (mật mã…) , mở cửa xe ô tô….Các anh em locksmith thường định lượng công việc mình sẽ làm và báo giá cho khách hàng, đồng ý thì làm, không đồng ý sẽ về, chứ không để làm xong mới tính giá, không vẽ vời giá cả sau khi đã làm xong.
• Các anh em locksmith thường nhìn nhận rất kỹ người mời mình tới mở khóa cửa, khóa xe, khóa kho bãi… có nên làm hay không, vì nhiều trường hợp vui buồn đã xảy ra vì người nhờ anh em locksmith tới làm lại là người không “chính chủ” của căn hộ, kho bãi, xe cộ….
• Có nhiều khi phải mở những căn phòng riêng tư, những két sắt đặc biệt, anh em locksmith thường phải xác định rõ người chủ công trình đó, nhiều khi phải được xem rõ chứng minh nhân dân của người chủ thì mới tiến hành công việc.
c. Đạo đức xã hội:
• Nhiều anh em locksmith là những cộng tác viên giúp cho các lực lượng phòng chống tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế…, nhiều khi công việc đang làm cho khách phải bỏ dở dang để đi giúp các anh em Công An phá khóa…
• Nhiều anh em locksmith có khả năng suy nghĩ suy luận khá tốt, cộng với những kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế đã đóng góp ý kiến giúp ích rất nhiều cho các nhà sản xuất, nhà phân phối khóa cửa trong công việc nâng cấp, cải tiến (có nhiều khu vực, thị trường trên thế giới, trộm cướp rất đơn giản, loại khóa cửa bình thường nhất vẫn có thể tự bảo vệ).
• Những loại đoản (vam) mà anh em tạo ra để giúp ích cho nghề nghiệp lại bị các tên “đạo chích” không biết tí gì về kỹ thuật khóa, đem ra ứng dụng gây tác hại không thể kể hết. Mỗi lần phải thay thế một ổ khóa cửa nhà, khóa xe bị bẽ gãy, lại một lần suy nghĩ rất nhiều, rất lâu…
– SƯU TẦM – HẢI THANH TRẦN- Hà Nội